
Đó chính là thói quen của riêng
tôi ! Thật sự để có một ly cà phê ngon ngoài việc lựa chọn cà phê ra còn vô số
khâu quan trọng tưởng chừng như đơn giản như nấu nước như thế nào, lượng đường
ra sao… không đơn giản là thói quen mà đó chính là kỹ năng, là cả một nghệ thuật.
Cái nghề mà tôi theo đuổi không
khác gì một ly cà phê đắng. Lĩnh vực tâm lý, vừa gần gũi nhưng lại khá trừu tượng
nói đúng hơn là phức tạp. Một chuyên viên tâm lý về lĩnh vực tham vấn và trị liệu
có thể được ví như một ly cà phê đắng. Vị đắng và vị ngọt xen lẫn cùng hòa quyện
nên một ly cà phê tuyệt vời, chúng tôi những người làm tâm lý nói chung và
riêng tôi đang cố gắng để tạo nên “một ly cà phê tuyệt vời”.
Vị đắng trong ngành nghề này hiện
tại ở Việt Nam đang dần trở nên phổ biến, thiết thực trong cuộc sống hằng ngày
nhưng lại thiếu tính chính danh (mã ngành đã có, còn mã nghề thì ở đâu ?, cơ
quan quản lý điều phối chưa thật sự rõ ràng- một sự thật mà ai cũng biết, ai
cũng quan tâm nhưng dường như đều bất lực). Nếm trải vị đắng thứ hai đó chính
là tính chất công việc. Là một chuyên viên tâm lý với đối tượng làm việc là con
người, với rất nhiều tính cách, kiểu nhân cách, từ trạng thái tâm lý bình thường
cho đến rối loạn, suy giảm chức năng…đủ loại người, vô số vấn đề, hàng loạt
nguy cơ điều đó đồng nghĩa với việc bên cạnh năng lực chuyên môn còn đòi hỏi rất
nhiều kỹ năng không dừng lại ở đây những thân chủ đến với bạn, họ còn đòi hỏi ở
bạn là một người “dày dặn kinh nghiệm” để họ cảm giác an tâm. Vậy những sinh
viên mới ra trường, gương mặt trẻ trung mặc định là bạn “chưa có kinh nghiệm”
thì xin việc thế nào, một điều cố hữu như là một quy luật đào thải mang tính thử
thách sự đam mê, nhiệt huyết với nghề mà bạn chọn đó là bạn phải cố gắng sống
và gắng bó với nghề. Với giai đoạn mới ra trường bên cạnh tâm trạng lo lắng hoặc
nặng nề hơn là stress chỉ vì những thôi thúc tìm kiếm công việc ổn định. Một sự
cố hữu tồn tại mà bạn không tránh khỏi đó là lương ba cọc ba đồng, bạn phải chật
vật đề kiếm thêm thu nhập nếu như kinh tế gia đình không có khả năng để hổ trợ
bạn, đây được xem như một giai đoạn khó khăn khi mà bạn đóng vai trò như một
người thực tập “sai đâu đánh đó”, đôi lúc chẳng đúng chuyên ngành, một cảm giác
khó chịu, xen lẫn ngậm ngùi thúc giục bạn tìm kiếm lấy một công việc khác đáp ứng
nhu cầu cuộc sống thế là bạn bị “sa lầy” rời bỏ nghề.
Vị đắng ấy sẽ xen lẫn chút ngọt
ngào nếu như bạn luôn cho mình một sự đam mê, một động lực để làm việc, cố gắng
phấn đấu vì mục tiêu của bản thân, một cá nhân lựa chọn lấy một công việc “tay
trái” để nuôi sống đam mê với nghề tâm lý. Tất
nhiên nếu có cơ hội bạn hãy chọn lấy một công việc có thể gần gũi với
chuyên ngành mà mình chọn để xem như nó là một trải nghiệm hữu ích với các bài
học để đời vô cùng thú vị cho công việc của bạn sau này. Ông bà có câu “lửa thử
vàng gian nan thử sức”, hãy chinh phục bản thân bằng chính niềm đam mê đang rực
cháy nơi trái tim nóng của tuổi trẻ.
Khi đã có công việc đúng chuyên
ngành và khá ổn định, chật vật với các ca tham vấn, các phiên điều trị tâm lý,
những thân chủ khó tính và một số thất bại khác mà hầu như đối với ai làm trong
lĩnh vực này cũng có thể trải qua: cảm giác bất lực trước vấn đề, con người nơi
thân chủ, hay việc thân chủ tự động từ bỏ quá trình can thiệp, hay bạn có thể bị
đe dọa bởi các hệ quả từ các mối quan hệ của thân chủ, đôi lúc bạn tự hỏi tại
sao tình cảnh của thân chủ lại giống
mình đến vậy, và các vấn đề khác xuất phát từ bản thân người làm tâm lý
như gia đình, cuộc sống, công việc, các mối quan hệ…vì đơn giản chuyên viên tâm
lý, nhà tâm lý cũng là con người như bao người khác trong xã hội, sự khác biệt
tạo nên nét đặc trưng đó chính là họ được huấn luyện, trui rèn và làm việc trên
chính con người của mình, sự trang bị về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc
để trở thành một nhà tâm lý chân chính.
Quan trọng hơn, ngành nghề nào
cũng vậy không chỉ có những người làm tâm lý một cách chân chính, bên cạnh đó
không ít kẻ “ăn theo” lợi dụng hình ảnh của một người nhà tâm lý để tìm kiếm lợi
ích cho bản thân, lừa đảo người khác. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi tạo
nên những sai phạm và lỗi lầm nghiêm trọng! ánh nhìn xã hội, dư luận không chỉ
chỉ trích một cá nhân mà phức tạp hơn là gán ghép cho cả một nghành nghề tâm
lý, những con người làm tâm lý một cách đam mê, nhiệt huyết, chân chính. Đây là
một trong những lỗi nhận thức cơ bản của con người, luôn tập trung vào những vấn
đề tiêu cực, sự sai lầm mà quên rằng bên cạnh đó luôn có những đóng góp to lớn
khác, hữu ích khác, thầm lặng khác. Một nhận thức chưa đầy đủ về nghề tâm lý sẽ
làm cho bạn trở nên mệt mỏi khi đối diện với các ánh nhìn sẽ đổ dồn về bạn chỉ
vì cái mác tâm lý luôn là áp lực “nó học tâm lý đó” hay “nhà tâm lý thì phải thế
này…thế nọ”….

Tất cả vị đắng ấy sẽ lại trở nên
ngọt ngào một khi bạn cảm nhận được thành quả, những cống hiến và đóng góp của
mình đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm lý – tâm thần của thân chủ có
những thay đổi mang tính tích cực. Đây chính là vị ngọt mà ly ca phê mang lại,
từ chính những vị đắng được nếm trải.