Chuyển đến nội dung chính

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ (TT)

Khoa học luôn là một chiếc chìa khóa diệu kỳ để mở ra những cánh cửa bí ẩn của thiên nhiên, hiện tượng xã hội và quan trọng hơn là tìm hiểu và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người trong nhiều khía cạnh từ giáo dục, văn hóa, kinh tế….và khái cạnh chăm sóc sức khỏe tâm lý – tâm thần của con người vẫn luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn đến tuyệt vời. 
Một góc cạnh có thể nói là huyền bí mà không ít nhà khoa học đã bị cuốn hút, cống hiến cả sự đam mê với các công trình nghiên cứu nhằm vén bức màn bí ẩn, đó chính là giấc ngủ. Nếu hiểu một cách đơn giản đó chỉ là một sự thư giản và lấy lại năng lượng cho con người. Phức tạp hơn một chút thì ngủ được hiểu đơn giản là giai đoạn nghĩ ngơi của thể xác và trí não. Trong thời gian đó, các chức năng của cơ thể được ngưng hoạt động một phần bên cạnh đó sự nhạy cảm với các tác nhân kích thích bên ngoài cũng bị giảm đi nhưng vẫn dễ dàng được phục hồi lại. Được xem như là một trạng thái thức tỉnh tạm ngừng và dễ hồi phục, trong khi ngủ cơ bắp dãn mềm, các hoạt động hô hấp và tuần hoàn chậm lại, đó là lý do vì sao ta nói rằng hầu như toàn cơ thể được nghỉ ngơi trong khi ngủ. Nhưng sẽ đơn giản hơn nếu như bạn không phải là nạn nhân của những rối loạn về giấc ngủ, và những gì xảy ra trong giấc mơ hay ác mộng luôn có những ý nghĩa riêng của nó, điều này được xem như là một thông điệp từ vô thức tiềm sâu trong con người. Hay đơn giản và nhìn nhận dưới một góc nhìn hạn hẹp hơn đó là sự nhắc nhở một cách nhẹ nhàng hay thể hiện một ước muốn, khát khao thầm kín đáp ứng các nhu cầu hay các tác động từ cuộc sống hàng ngày nơi con người thông qua đó giúp con người giải tỏa được một phần nào đó các ức chế. Hoặc đó là một cơ chế “đặc biệt” nhưng không kém phần khó chịu vì sự trổi dậy này làm cho con người có một cảm giác thiếu sự an toàn, làm rối loạn hoặc nặng nề hơn là đánh mất đi nhịp sinh học trong cuộc sống. Dưới góc nhìn của khoa học, sự kết hợp và giao thoa giữa tâm thần học, tâm lý học thần kinh và tâm lý học….các rối loạn giấc ngủ được các nhà chuyên môn đề cập với một số khía cạnh đặc biệt. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến các rối loạn bao gồm:
  • Các cơn bất thường trong giấc ngủ với thuật ngữ tiếng anh là Parasomnias: các cơn lo sợ ban đêm, giấc mơ lo hãi (ác mộng), cơn thức dậy lo âu, chứng miên hành, cơn tự động vận động, nói mê hay nghiến răng lúc ngủ, hiện tượng đái dầm và cơn động kinh ban đêm.
  • Tiếp tục vén bức màn bí ẩn, bắt gặp rất nhiều điều mà các nhà khoa học, nhà chăm sóc sức khỏe cũng như cá nhân mắc phải rất vất vả và khó nhọc để từng bước chống trả và cải thiện, trị liệu về những rối loạn giấc ngủ đặc biệt như: Cơn ngừng thở trong lúc ngủ, Chứng ngủ nhiềuHội chứng Kleine – Levin.

Và bây giờ là hành trình tìm đến từng góc nhỏ như những “mãnh ghép” được sắp xếp cho một bức tranh chưa hoàn chỉnh về các bí ẩn liên quan đến sinh lý thần kinh, tâm lý – tâm thần của con người…mà có thể nói nhìn dưới góc độ Phân tâm học hay các thuyết về khoa học giả tưởng là những gam màu hết sức độc đáo, với những người mắc phải thì đó chỉ là một gam màu tối !

1. Các cơn bất thường trong giấc ngủ (Parasomnias):
Đây là một nhóm trạng thái lâm sàng về bản chất không phải là các rối loạn trạng thái ngủ và thức mà là các hiện tượng bất thường xuất hiện đột ngột trong lúc ngủ, ở ngưỡng giữa thức và ngủ; phần nhiều xảy ra ở giai đoạn 3 và 4 (giấc ngủ sâu) nên sáng dậy chủ thể không nhớ lại điều gì đã xảy ra. Các bất thường này có thể gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.

1.1 Các cơn lo sợ ban đêm (Angoisses nocturnes)
Từ ác mộng thường có một khái niệm không rõ vì có thể chỉ nhiều rối loạn khác nhau: cơn sợ hãi ban đêm (ác mộng của người lớn); giấc mơ lo hãi; cơn thức giấc lo âu.
Các nghiên cứu điện não đồ cho phép phân biệt:
·        Cơn sợ hãi ban đêm xảy ra trong giấc ngủ sóng chậm (giấc ngủ vận động mắt không nhanh NREM);
·        Giấc mơ lo hãi liên quan với giấc ngủ nghịch thường (giấc ngủ vận động mắt nhanh REM).

1.1.1       Cơn sợ hãi ban đêm:
Với thuật ngữ: Cơn sợ hãi ban đêm các từ tương đương trong tiếng Pháp là: terreur nocturne; Anh: night terror, sleep terror disorder; Latin: pavor nocturnus.
Đây là một hành vi ảo giác xuất hiện đột ngột ở 1/3 đêm về tối: trẻ em đang ngủ, đột nhiên thức dậy la hét thất thanh như bị kim châm, mắt lơ láo, vẻ mặt hết sức sợ hãi, không nhận ra ai đang ở quanh mình, hình như không hiểu mọi người đang nói gì. Kèm theo các rối loạn thần kinh thực vật: da tái, vã mồ hôi, tim nhanh, nhịp thở nhanh. Sáng dậy không nhớ lại cơn. Khám xét không phát hiện nhân tố thực tổn não. Cơn kéo dài vài phút. Ngay sau đó trẻ em ngủ lại.
Chẩn đoán phân biệt
Với ác mộng (giấc mơ lo hãi). Ác mộng thường là các "giấc mơ xấu" kèm theo nói mê và vận động cơ thể. Khác với các cơn sợ hãi ban đêm, ác mộng xảy ra ở bất cứ thời gian nào trong đêm, vì người mơ rất dễ thức tỉnh và nhớ lại chi tiết và sinh động nội dung giấc mơ.
Với cơn động kinh lúc ngủ: cơn động kinh thường xảy ra cả ban ngày và ban đêm và điện não đồ có các sóng đặc trưng của động kinh.
Ghi điện não ban đêm cho thấy: cơn sợ hãi ban đêm xảy ra trong các giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ sóng chậm; cơn đặc trưng với các sóng chậm đơn dạng như quan sát thấy trong phản ứng thức tỉnh với sóng chậm ở trẻ em (Fisher, Benoit).
Các cơn sợ hãi ban đêm có tỷ lệ 1 - 3% số trẻ em dưới 15 tuổi, và 6% số trẻ em trước tuổi đi học; trẻ em giai bị nhiều hơn trẻ em gái; thường gặp ở trẻ em có tiền sử gia đình với cơn sợ hãi ban đêm. Các cơn này có thể liên quan đến một bất thường nhỏ về thần kinh, có lẽ ở thùy thái dương. Ở thanh thiệu niên và thanh niên 19 đến 24 tuổi, cơn sợ hãi ban đêm có thể là triệu chứng đầu tiên của cơn động kinh thái dương; song trong các trường hợp sợ hãi ban đêm điển hình, về lâm sàng và điện não không thấy dấu hiệu nào của động kinh thái dương. Cơn sợ hãi ban đêm liên quan chặt chẽ với cơn miên hành nhưng hoàn toàn khác với ác mộng (H.I.Kapian).
Về mặt điện sinh lý, cơn sợ hãi ban đêm cũng như cơn miên hành được xem là một trạng thái thức phân ly với sự tăng hoạt thần kinh thực vật trong khi vỏ não vẫn ở trong trạng thái ngủ sóng chậm và sâu (H.I.Kaplan).
Về mặt tâm bệnh học, cơn sợ hãi ban đêm thường xảy ra trong giai đoạn xung đột (Edipe (3 đến 6 tuổi) với biểu hiện lo âu rầm rộ (Hougel). Các cơn sợ hãi ban đêm tăng hay giảm biểu hiện khả năng ban đầu còn non yếu khi đối mặt và xử lý các lo âu (Odipe). Còn các cơn tồn tại kéo dài là do trẻ em mất khả năng rèn luyện và cải thiện các cơ chế phòng vệ tâm thần hoặc do sự thoái lui về các tâm thế tiền (Odipe).
Điều trị: cơn sợ hãi ban đêm cũng như cơn miên hành ít khi cần điều trị. Nghiên cứu các tình huống stress trong gia đình, áp dụng liệu pháp cá nhân và gia đình đôi khi có ích. Trong các trường hợp cần thiết, chỉ định diazepam liều thấp trước khi đi ngủ cho kết quả rất tốt.

1.1.2       Giấc mơ lo hãi (ác mộng).

Thuật ngữ tương đương Pháp: rêve d'angoisse, rêve angoissante, cauchemar;
Anh: Dream anxiety disorder, nightmare, incubus; Latin: Incubus
Giấc mơ lo hãi (ác mộng) là một giấc mơ dài gây sợ hãi. Trẻ em đang ngủ tự nhiên khóc thét, kêu cứu, có khi thức dậy vẻ hoảng hốt, sáng dậy, trẻ thường kể lại được nội dung giấc mơ xấu. Cũng như các giấc mơ khác, giấc mơ lo hãi hầu hết thường xuất hiện trong giấc ngủ nghịch thường (giấc ngủ vận động mắt nhanh) lúc đầu đêm. Giấc mơ dễ chịu thường xuất hiện lúc cuối đêm.
Phân biệt giấc mơ lo hãi và cơn sợ hãi ban đêm: cơn sợ hãi ban đêm xảy ra vào 1/3 đầu của thời kỳ ngủ, có nhiều rối loạn thần kinh thực vật và sáng dậy không nhớ lại chi tiết điều gì đã xảy ra.

Giấc mơ lo hãi có thể gặp ở trẻ em 3 đến 4 tuổi. Khoảng 30% số trẻ em nói rằng mới có một giấc mơ lo hãi (Casou, Feldman). Cũng như cơn sợ hãi ban đêm, giấc mơ lo hãi rất hay gặp. Giấc mơ lo hãi của trẻ em thường liên quan với một giai đoạn phát triển cảm xúc. Đôi khi chủ thể đã gặp một sự kiện gây sang chấn lúc ban ngày. Nó chứng tỏ quá trình cấu trúc hóa thành thục tăng dần của bộ máy tâm thần và sự thành lập các cơ chế phòng vệ chính (chuyển di...).
Bố mẹ cần khụyến khích trẻ em kể lại nội dung cơn ác mộng để giúp nó nhận biết và giải quyết các khó khăn vì giấc mơ có thể phản ánh các khó khăn đó.
Nếu giấc mơ lo hãi xảy ra thường xuyên và tổn tại quá thời kỳ (Edipe hay kết hợp với các triệu chứng tâm thần khác thì có thể là biểu hiện của một rối loạn tâm căn hay loạn thần). Đôi lúc cần có sự can thiệp từ các nhà chuyên môn khi mà mức độ và tần suất của vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị tác động dẫn đến khủng hoảng tâm lý như: sợ hãi hay ám ảnh nặng nề từ giấc mộng được lặp lại nhiều lần và có nội dung tương tự, hành vi không rõ ràng hay những hoang tưởng mà trẻ gặp phải. Sự can thiệp của nhà trị liệu góp phần cho việc giải tỏa những kìm nén sợ hải của trẻ thông qua các hoạt động trị liệu thông qua trò chơi.

1.1.3       Cơn thức dậy lo âu
Đang ngủ, đột nhiên trẻ em thức dậy, vẻ mặt lo lắng, đi đến giường nằm của bố mẹ và ngủ lại.
Ghi điện não xác định cơn này xảy ra ở giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ sóng chậm lúc đầu đêm (tức chu kỳ thứ nhất hay thứ hai của đêm ngủ).
Thường không cần điều trị.

1.1.4       Chứng miên hành
Thuật ngữ Pháp: somnambulisme; Anh: sleep walking disorder, somnambulism.
Biểu hiện: trẻ em đang ngủ, đột nhiên đứng dậy, ra khỏi giường, đi đâu đó, có thể có vài động tác gì đó, rồi trở về giường, ngủ lại. Cơn kéo dài vài phút (10 đến 30 phút), trong cơn mất ý thức và sáng dậy không nhớ lại điều gì. Cơn xảy ra ở một phần ba đêm về tối trong giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ sâu.
Chứng miên hành thường bắt đầu ở trẻ em 6 đến 12 tuổi nhưng còn gặp ở thanh thiếu niên và người ngoài 20 tuổi, nhất là ở người thuộc các gia đình có tiền sử miên hành; tỷ lệ trội ở nam.
Khoảng 15% số trẻ em 6 đến 12 tuổi khai đã từng có ít nhất một cơn miên hành nhưng chỉ 1 đến 6% số trẻ em đó có cơn miên hành với hành vi nguy hiểm: có trên 2 đến 3 cơn mỗi tuần, có hành vi nhảy qua cửa sổ.
Chứng miên hành thường liên quan đến các nhân tố stress song cũng cần theo dõi một bất thường nhỏ về thần kinh nằm bên dưới rối loạn này.
Chứng miên hành với hành vi tấn công (somnambulisme - terreur): hiếm gặp. Trẻ con trong cơn miên hành có thể tấn công ai đó định giữ nó lại. Chứng này có thể kết hợp với các nét tâm căn (lo hãi, ám ảnh sợ).
Nghiên cứu điện não chứng tỏ cơn miên hành xuất hiện vào 1/3 đầu đêm, trong giai đoạn 3 vài 4 của giấc ngủ sóng chậm, khoảng 10-15 phút trước giấc ngủ nghịch thường. Điểm chung của các cơn sợ hãi ban đêm, cơn miên hành và đái dầm ban đêm là đều xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ sóng chậm.
Điều trị tham khảo: liệu pháp hóa dược cho kết quả tốt trong hầu hết các trường hợp miên hành. Chỉ định một thuốc chống trầm cảm như amitriptylin 25mg một viên uống trước khi đi ngủ trong vài tuần. Trong cơn miên hành có hành vi nguy hiểm, kết hợp một thuốc chống trầm cảm và một thuốc chống lo âu (ví dụ: amitriptylin 25mg 1 viên với seduxen liều dùng trung bình cho trẻ em là 1mg/ kg cân nặng/ ngày) dùng 2 đến 3 tuần liên tục uống trước lúc đi ngủ.

1.1.5       Các cơn tự động vận động
Đây là các biểu hiện vận động có nhịp (rythmie) trong giấc ngủ.
Thuật ngữ tương đương: Latin: jactatio capitis nocturna; Anh: sleep -related head banging (chứng vỗ đầu ban đêm)
Các cơn tự động vận động biểu hiện bằng hành vi lắc lư đầu qua lại, có nhịp, có khi lắc lư cẳng chân hay đầu gối, dao động trước sau mạnh ở tư thế đầu gối ngực. Lúc mới bị, cơn không gây ồn ào nên không ai biết, đến khi vận động rất mạnh làm di chuyển giường ngủ và gây ồn ào, trẻ em mới được đưa đi khám bệnh.
Các nhịp vận động hết sức đều đặn, khoảng một nhịp mỗi giây. Các cơn kéo dài vài giây, ít khi kéo dài 10 đến 15 phút, trong đêm có thể lập lại 3 đến 4 cơn.
Khoảng 4% trẻ em có rối loạn này (Lacombe) và thường gặp ở trẻ em trai.
Nghiên cứu điện não: rối loạn vận động có nhịp rất hay gặp ở giai đoạn nhẹ của giấc ngủ sóng chậm, hiếm gặp ở giấc ngủ nghịch thường. Điện não đồ bình thường, không liên quan với cơn động kinh ban đêm và các bất thường khác của giấc ngủ. Trong đa số trường hợp, các cơn tự động vận động tự nhiên biến đi lúc 3 đến 4 tuổi, vài trường hợp có thể kéo dài đến tuổi dậy thì.
Về mặt tâm bệnh lý, các trẻ em này không có bất thường gì đặc biệt.
Không cần can thiệp bằng thuốc.

1.1.6       Chứng nói mê: (Pháp: somniloquie; Anh sleeptalking hay somniloquy)

Chứng nói mê rất hay gặp ở trẻ em và người lớn, xảy ra ở mọi giai đoạn của giấc ngủ. Người ngủ phát âm một vài từ thường rất khó phân biệt và sáng dậy không nhớ lại nội dung. Có khi kèm theo các cơn sợ hãi ban đêm và miên hành.
Chứng nói mê đơn thuần không cần điều trị.

1.1.7 Chứng nghiến răng lúc ngủ (Pháp: bnixisme; Anh: sleep related bnixism)
Chứng này thường xảy ra ở giai đoạn 2 của giấc ngủ sóng chậm, có trường hợp bị đau hàm lúc sáng dậy. Tiếng nghiến răng gây phiền cho những người ngủ cùng phòng.
Trường hợp cần thiết, có thể cho thuốc cải thiện độ sâu của giấc ngủ như seduxen.

1.1.8       Đái dầm (TOPIC RIÊNG)

1.1.9    Động kinh ban đêm: (Pháp: épilepsie nocturne: épilepsie morphéique; Anh: sleep epilepsy)
Về lâm sàng, cơn động kinh ban đêm giống như cơn động kinh thường gặp, nét riêng là cơn xảy ra trong lúc ngủ.

2.  Các bệnh lý đặc biệt của giấc ngủ

2.1 Cơn ngừng thở trong lúc ngủ
Cơn này hiếm gặp, thường không có dấu hiệu báo trước, biểu hiện ngừng thở ngắn, có trường hợp nặng kéo dài trên 15 giây. Hậu quả của các cơn này là ngủ nhiều về ban ngày hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm
Có một vài giả thiết:
Cơn ngừng thở lúc ngủ là nguyên nhân chính gây đột tử (hội chứng đột tử) ở trẻ em trước một tuổi, về nguyên nhân, có thể do hệ thần kinh kém thành thục, trung tâm điều khiển hô hấp hoạt động yếu và trẻ em dễ nhạy cảm với các tác nhân có hại (như trong nhà bị ô nhiễm khói thuốc lá, hơi than...); cũng có thể do tắc nghẽn đường hô hấp (như viêm amiđan).

2.2         Chứng ngủ nhiều:   
Rối loạn này không chẩn đoán ở trẻ nhỏ, chỉ xem xét ở thiếu niên trên 13 đến 14 tuổi.
Có hai loại:
·        Cơn ngủ rũ - đột mất trương lực hay bệnh Gélineau, (Pháp: narcolepsie - cataplexie; Anh: narcolepsy - cataplexy). Đây là một hội chứng kết hợp nhiều rối loạn; các cơn đột ngột mất trương lực thế đứng vài giây đến 1 phút, thường do các cảm xúc dễ chịu kích phát. Các cơn ngủ gà ban ngày không cưỡng lại được, kéo dài vài phút đến vài giờ.
·        Chứng ngủ nhiều không rỏ căn nguyên.

2.2.1   Đối với Cơn ngủ rũ - đột mất trương lực hay bệnh Gélineau :

Có các biểu hiện liệt trong lúc ngủ như:
·        Ảo giác lúc sắp ngủ: ảo thị, ảo thính hay ảo giác tiền đình (mê đạo) thường gây sợ hãi;
·        Giấc ngủ đêm thường bị gián đoạn; lúc tỉnh ra thường không nhớ lại hành vi trong cơn ngủ gà.
Nghiên cứu dùng kỹ thuật đa ký cho thấy: Sự vào giấc ngủ xảy ra ngay ở giai đoạn giấc ngủ nghịch thường không qua giai đoạn giấc ngủ sóng chậm. Cơn đột mất trương lực được xem là đang trạng thái thức đột nhiên xuất hiện một quá trình ức chế trương lực đặc trưng cho giấc ngủ sâu xen vào. Các cơn này thường gặp ở độ tuổi 15 - 20; tỷ lệ mắc là 0,05 - 0,067 % (M.Billiard).
Nguyên nhân của chứng ngủ nhiều có thể là:
·        Biến đổi sinh lý về nhu cầu ngủ và nhịp ngày đêm của mỗi người (trẻ em cũng như người lớn);
·        Bệnh lý thần kinh như viêm não, tăng áp lực nội sọ, chấn thương sọ não, rối loạn chuyển hóa (đòi hỏi phải khám xét các chuyên khoa hữu quan).
 Điều trị
·        Vệ sinh giấc ngủ: chế độ ngủ trưa đều đặn, môi trường tốt trong một số trường hợp có thể chữa khỏi cơn ngủ rũ không cần dùng thuốc.
·        Hóa dược liệu pháp chỉ định khi cần thiết: các thuốc kích thích thường dùng amphetamine và methylphenidate (Ritaline liều 5mg - 10mg đến 30mg); khi chứng đột mất trương lực trội thì kết hợp thêm thuốc chống trầm cảm như amitriplylin.

2.2.2       Chứng ngủ nhiều không rõ căn nguyên

           Rối loạn này ít gặp hơn cơn ngủ rũ 4 đến 5 lần; thường khởi phát ở độ tuổi 10 đến 20, chưa rõ nguyên nhân.
Biểu hiện: giấc ngủ đêm kéo dài, rất khó thức dậy buổi sáng, ngủ gà ban ngày thường xuyên, giấc ngủ trưa đều đặn không giúp cải thiện rối loạn này (điểm khác với bệnh Gélineau). Giấc ngủ tuy dài nhưng bình thường về cấu trúc sinh lý và nhịp ngủ - thức. Ghi điện não lúc ngủ phát hiện tăng thời lượng toàn bộ giấc ngủ, đặc biệt là tăng rõ rệt giấc ngủ nghịch thường.

2.3         Hội chứng Kleine – Levin

Các cơn đầu tiên xảy ra ở độ tuổi 10 đến 21, rất hiếm gặp. Đặc điểm lâm sàng là kết hợp các chu kỳ tái diễn tiến triển một đến vài tuần với ngủ quá kéo dài kết hợp với ăn nhiều, rối loạn hành vi (thu mình, ít giao tiếp xã hội), rối loạn tình dục (giảm ức chế tình dục), rối loạn khí sắc (dễ bẳn gắt, vô cảm, hưng cảm, trầm cảm). Đôi khi tiến triển đến loạn thần (lời nói không liên quan, mất định hướng, rối loạn trí nhớ, hoang tưởng, ảo giác).


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Web: http://sleepfoundation.org.
2. Web: http://www.webmd.com/sleep-disorders/default.htm?names-dropdown=
4. Tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên _ Ts.Bs. Nguyễn Văn Xiêm.
5. Từ điển Tâm lý học _ GS.TS. Vũ Dũng.




Popular Posts

VAI TRÒ CỦA GIÁM SÁT TRONG THAM VẤN – TRỊ LIỆU TÂM LÝ

Công việc tham vấn - trị liệu tâm lý luôn là một lĩnh vực đầy bí ẩn, đầy cuốn hút khi bạn sử dụng chính “con người của nhà tham vấn/nhà trị liệu” để làm việc với thân chủ - những người đang có những vấn đề khó khăn về tâm lý, rối loạn về chức năng về tâm lý. Dựa trên những kỹ thuật đặc trưng tác động đến tâm lý con người thông qua tiến trình trao đổi/chia sẻ, cung cấp thông tin…xin tạm được gọi là “điều trị thông qua lời nói”. Chính bản thân những nhà chuyên môn về tâm lý, nhà thực hành tâm lý cũng là con người. Đôi lúc, họ trở nên mệt mỏi với khó khăn trong những ca can thiệp, những trường hợp mà bản thân nhà tham vấn/trị liệu thấy “con người của chính mình” trong những rắc rối bản thân TC (thân chủ) đang gặp phải, đó là những vấn đề rắc rối trong công việc, các mối quan hệ, việc vận dụng các liệu pháp can thiệp…chính những vấn đề này, đòi hỏi có sự can thiệp và hỗ trợ từ những người giám sát (NGS). Một nhà trị liệu/hay một nhà tham vấn với những kỹ năng thực hành tu...

CỐ VẤN KỸ NĂNG SỐNG TRUNG TÂM RỒNG VIỆT VŨNG TÀU. THẦY LÊ ĐÌNH BÌNH NÓI VỀ CHƯƠNG TRÌNH KỸ NĂNG SỐNG KỸ NĂNG SỐNG

CỐ VẤN KỸ NĂNG SỐNG TRUNG TÂM RỒNG VIỆT VŨNG TÀU. THẦY LÊ ĐÌNH BÌNH NÓI VỀ CHƯƠNG TRÌNH KỸ NĂNG SỐNG KỸ NĂNG SỐNG

LÒNG NGƯỜI LÀ GIẤY

Lòng người ta là giấy, chứ không phải vàng đá ! Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nângniu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời? Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy.  Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần ?  Ai vô cảm bởi một lời khen?  Ai vắng nhau lâu ngày mà không nhớ ?  Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư ?  Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.